Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
0
TRƯỜNG THPT ĐÔNG SƠN I - 50 NĂM (1965-2015) XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Tháng 8 năm 1965, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bắt đầu tiến hành ra miền Bắc, trường phổ thông cấp 3 Đông Sơn (nay là THPT Đông Sơn I) được thành lập theo Quyết định số 2915 QĐ/VX([1]) của UBHC tỉnh Thanh Hóa, do thầy Vũ Danh Lân làm Hiệu trưởng.
Tiền thân của trường cấp 3 Đông Sơn là phân hiệu B của trường cấp 3 Lam Sơn (trường của thị xã Thanh Hóa bấy giờ). Địa bàn đặt tại 2 xã Đông Xuân và Đông Thịnh ; nằm bên trục Tỉnh lộ 9 (nay là Quốc lộ 47), tại Km số 6+400 từ Thành phố Thanh Hóa đi Sao Vàng. Cơ sở vật chất ban đầu chỉ có 4 phòng học cấp 4 và vài gian nhà tranh đã giột nát của trường cấp 2 Đông Sơn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên và CNVC gồm 30 người, trong đó có 5 đảng viên Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm mươi năm qua, có những chặng đường đầy chông gai với biết bao thăng trầm nhưng trường THPT Đông Sơn I vẫn luôn là tốp đầu của ngành Giáo dục Thanh Hóa và là địa chỉ đáng tin cậy của Đảng bộ, nhân dân, học sinh huyện Đông Sơn.
Mười năm học đầu tiên (1965-1975) diễn ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt là mười năm xây nền, đặt móng vững chắc, tạo nên “thương hiệu” cấp 3 Đông Sơn trong ngành Giáo dục Thanh Hóa, và là mốc son tươi thắm nhất trong lịch sử phát triển của nhà trường.
Công việc đầu tiên của một nhà trường mới được thành lập là xây dựng trường ốc. Phần lớn nguồn kinh phí do dân đóng góp, trong khi đó, đời sống kinh tế của nhân dân lúc bấy giờ còn rất thấp. Chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt. Trường sơ tán hết nơi này đến nơi khác. Học sinh, ngày 2 buổi đến trường. Sáng học, chiều đào hào đắp lũy. Nhiều tiết học bị máy bay Mỹ xé thành những mảnh nhỏ bởi các trận oanh kích liên tục diễn ra. Một bộ phận học sinh và giáo viên, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xếp bút nghiên lên đường ra chiến trận. Tuy vậy, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” vẫn được phát động và duy trì thường xuyên, tạo nên nhiều thành tích cao cho trường, cho ngành Giáo dục Thanh Hóa. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao. Ngay năm học đầu tiên, đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh đạt giải nhất đồng đội môn Toán và nhiều giải cao của các môn học khác. Vì vậy, đội tuyển dự thi học sinh giỏi toàn miền Bắc được Ty Giáo dục Thanh Hóa đặt tại trường Đông Sơn và chủ yếu do giáo viên trường Đông Sơn đảm nhiệm. Trong tổng số HS đội tuyển của tỉnh, học sinh trường Đông Sơn chiếm tỷ lệ khá cao như môn Toán có 6/10 em, môn văn có 2/10 em của năm học 1965-1966. Lần đầu tiên, ngành Giáo dục Thanh Hóa giành được thành tích cao : giải nhất đồng đội môn Văn, giải khuyến khích đồng đội môn Toán cũng là đội tuyển được bồi dưỡng tại trường phổ thông cấp 3 Đông Sơn([2]).
Sau khi đất nước thống nhất, nhà trường phải làm lại gần như từ đầu trên nhiều mặt hoạt động. Một bộ phận giáo viên có năng lực chuyên môn cao chuyển đến các đơn vị mới. Phòng học và trang thiết bị dạy học quá ít ỏi, không thể đáp ứng được sự phát triển về số lượng. Củng cố và xây dựng cơ sở vật chất không chỉ là bài toán nan giải đối với nhà trường mà còn là của các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền huyện Đông Sơn. Học sinh vừa học vừa lao động đóng gạch ngói để xây phòng học, cải tạo lại khuôn viên học đường. Từ năm học 1980-1981, sau mấy năm khủng hoảng, nhà trường dần ổn định trong thế đi lên và phát triển. Hoạt động dạy chữ vẫn đạt được những thành tích cao, nhất là việc bồi dưỡng học sinh mũi nhọn([3]). Nhiều hoạt động giáo dục được đẩy mạnh, đặc biệt là hoạt động giáo dục hướng nghiệp và giáo dục truyền thống theo tinh thần của Nghị quyết 126/CP ngày 19/3 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ. Phòng Giáo dục chính trị tư tưởng của nhà trường ra đời trong hoàn cảnh ấy, trở thành một mô hình mẫu của Giáo dục THPT Thanh Hóa, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, về thăm và khen ngợi.
Những năm đầu trong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, ngành Giáo dục nước ta vẫn rơi vào tình trạng xuống cấp. Ở Thanh Hóa, thiên tai luôn ập đến. Đời sống của người lao động giáo dục khó khăn chưa từng thấy. Cuộc khủng hoảng thừa giáo viên khi bậc THPT thay sách đã khiến cho trường Đông Sơn I có sự xáo trộn và bất ổn ở một số mặt. Bắt đầu từ năm học 1994-1995 trở đi, công cuộc “xây lại mái trường xưa” mới thực sự đạt được hiệu quả rõ rệt. Đây là thời kì khôi phục lại những giá trị vốn có của trường cấp 3 Đông Sơn trong truyền thống và tạo được nhiều dấu ấn tốt đẹp cho chính quyền và nhân dân Đông Sơn cũng như ngành Giáo dục - Đào tạo Thanh Hóa. Phòng học dần dần được cao tầng hóa. Đến nay, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ theo tiêu chí của Trường chuẩn quốc gia. Hoạt động dạy và học tạo được nhiều sắc màu tươi tắn, tô thắm thêm cho mái trường non nửa thế kỉ. Khởi điểm là năm học 1997-1998, số lượng học sinh đậu vào đại học và cao đẳng cao chưa từng có. Tỷ lệ này luôn được duy trì và nâng cao trong những năm tiếp theo. Học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh chẳng chịu thua chị kém em. Những môn Hóa học, Địa lý, Ngữ văn, Vật lý luôn là lá cờ đầu của nhà trường trong nhiều năm liên tục. Các môn Ngữ văn, Hóa học, Vật lý, Toán, GDCD góp phần chính về thành tích bồi dưỡng HS giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm gần đây.
Trước những thành tích và bề dày truyền thống, năm học 2005-2006, nhà trường đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động Hạng 3.
*
* *
Năm mươi năm, một chặng đường đầy gian nan vất vả nhưng cũng nhiều vinh quang và rất đỗi tự hào. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngành Giáo dục Thanh Hóa và cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đông Sơn, lớp lớp thế hệ thầy và trò đã không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng cao cả, góp phần cực kì quan trọng trong việc “nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương, đất nước. Công sức này, trước hết thuộc về Chi bộ, Đảng bộ và chính quyền nhà trường THPT Đông Sơn I, thuộc về những người trực tiếp lao động giáo dục. Các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn THCS Hồ Chí Minh([4]) đã đóng góp trí tuệ, công sức hết sức to lớn cho sự phát triển của nhà trường.
Mùa phượng vĩ thứ 50 đang vẫy gọi. Hành trình tiến đến Trường chuẩn quốc gia đã kề cận. Với không khí hoạt động giáo dục trong hiện tại, trường THPT Đông Sơn I mãi mãi xứng đáng với một vùng đất học nổi tiếng của xứ Thanh([5]) mà lịch sử Thanh Hóa đã khắc tạc.
 

([1]) QĐ kí ngày 15/11/1965 ghi rõ : “… kể từ ngày 15 tháng 8 năm 1965 của năm học 1965-1966.” Vì vậy, ngày 15 tháng 8 năm 1965 được tính là ngày thành lập trường.
([2]) Thời gian này, trường cấp 3 Đông Sơn được xem là trường Lam Sơn của Thanh Hóa ngày nay, vì đây là nơi làm nhiệm vụ bồi dưỡng nhân tài cho ngành Giáo dục Thanh Hóa.
([3]) Năm học 1985-1986, trong kì thi HS giỏi lớp 12 cấp tỉnh, quán quân môn Toán thuộc về trường THPT Đông Sơn I. Lúc bấy giờ, trong nhiều kì thi HS giỏi cấp tỉnh, Thanh Hóa không có HS đoạt giải nhất một số môn, nhất là môn Toán.
([4]) Năm học 1987-1988, Đoàn thanh niên nhà trường được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng vĩnh viễn “Cờ Đoàn mang chân dung Bác”.
([5]) Về sự học, người Thanh Hóa xưa có câu “Thí Hoằng Hóa, khóa Đông Sơn” để ca ngợi 2 vùng đất học nổi tiếng của Thanh Hóa là đất Đông Sơn và đất Hoằng Hóa.
Ca dao cổ Đông Sơn có bài : “Quê mình nhân kiệt địa linh
 
                                              Công hầu còn đó, oai danh muôn đời !”